Mọi chuyện bắt đầu với một tin nhắn ngắn gọn - “xin chào”. Cô Sirinya (tên nhân vật đã được thay đổi) - giám đốc tài chính của một công ty sản xuất - đọc tin nhắn và xem hồ sơ của một sĩ quan quân đội đẹp trai mặc quân phục. Tên hiển thị là 'Bác sĩ Adhit' (tên nhân vật đã được thay đổi). "Anh ở đâu?" cô hỏi.
Cô biết được anh Adhit là bác sĩ quân y đang làm việc ở nước ngoài. Anh ấy thích giúp đỡ mọi người, cho nên anh rất yêu công việc của mình. Cô Sirinya thấy anh thật ngọt ngào và tốt bụng. Có nhiều lúc họ trò chuyện hàng giờ liền. “Tôi muốn nghe giọng nói của anh. Tôi gọi điện cho anh nhé?" cô hỏi vào một buổi tối muộn. “Xin lỗi em nha, quy định của căn cứ quân đội là cấm gọi điện thoại vì lý do an ninh,” anh trả lời, “nhưng để tôi gửi ảnh và video cho em xem nha?”.
Trong vài tuần tiếp theo, họ gửi cho nhau rất nhiều ảnh và video.
Vài tháng sau, mọi chuyện đã có một bước tiến triển mạnh. "Anh nghĩ là anh yêu em mất rồi". Trái tim của Sirinya đập loạn nhịp. Dù bây giờ cô đã 50 tuổi nhưng anh khiến cô cảm thấy mình như được quay lại thời thanh xuân. “Em cũng cảm thấy như vậy,” cô trả lời. Chuyện tình của họ tiếp tục như vậy trong những tháng tiếp theo.
Vào một ngày nọ, bác sĩ Adhit nói: “Em ơi, cha của anh qua đời rồi”. Sau đó, anh giải thích rằng mình muốn chuyển tài sản thừa kế trị giá 85 triệu USD từ người cha quá cố sang Thái Lan và mua một ngôi nhà sang trọng cho hai người. Sau một thời gian tìm kiếm, cô đã tìm thấy một ngôi nhà ưng ý. Sau đó, bác sĩ Adhit nhờ cô gửi tiền đặt cọc trước vì anh đang gặp chút vấn đề khi chuyển tiền ra khỏi tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ của mình. Đồng thời, anh cũng yêu cầu cô gửi thêm tiền để thanh toán các chi phí khác liên quan đến việc chuyển tài sản thừa kế lớn của mình sang Thái Lan.
Trong ba tháng sau đó, cô Sirinya đã sử dụng hóa đơn và các bút toán kế toán để thực hiện 251 lượt chuyển khoản tới 112 tài khoản ngân hàng ở 17 quốc gia. Cô đã chuyển tiền ra khỏi tài khoản của công ty trong khoảng bốn tháng cho tới khi công ty phát hiện ra các giao dịch gian lận đã vượt quá 250 triệu USD.
Cô bị kết án về 251 tội trộm cắp và 502 năm tù.
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân! Tuy nhiên, bằng cách nhận biết các dấu hiệu đáng ngờ, bạn có thể ngăn ngừa được các vụ lừa đảo qua mạng. Để tìm hiểu thêm về lừa đảo, tấn công giả mạo và ăn cắp danh tính ở khu vực Đông Nam Á, vui lòng truy cập trang web của UNODC.
Nguồn::
https://www.abc.net.au/news/2022-07-10/how-thailands-biggest-romance-scam-was-pulled-off/101213930
Aati (tên nhân vật đã được thay đổi) – người Malaysia - đang lướt internet một cách chán nản. Do đại dịch, anh đã thất nghiệp hơn một năm nay. Những cuộc gọi nhắc anh trả tiền hóa đơn lại càng làm anh cảm thấy tuyệt vọng hơn. Rồi bỗng anh nhìn thấy quảng cáo về một công việc lương cao liên quan đến công nghệ ở Campuchia với mức lương hàng tháng lên tới 3.300 USD. Anh đáp ứng tất cả các yêu cầu nên đã gọi điện ngay lập tức.
Sau một cuộc nói chuyện trao đổi ngắn qua điện thoại, anh nhận được hướng dẫn về việc chuyển đến Campuchia để sống và làm việc. Tuy nhiên, hướng dẫn nhập cảnh vào Campuchia hơi khác thường. Thay vì bay thẳng, Aati phải nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan bằng thuyền và vượt biên trái phép sang Campuchia bằng ô tô. Nhưng Aati đã quyết định đi vì cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác.
Khi đến nơi, anh ấy thấy một cơ sở giống như một sòng bạc lớn với nhiều văn phòng ở các tầng cao hơn. Ngoài ra còn có những người mới được tuyển đến từ Việt Nam, Philipines, Thái Lan và Lào. Ngay sau đó, họ gặp một số người đàn ông to lớn mặc vest yêu cầu cung cấp hộ chiếu để làm thủ tục nhập cư.
Họ được dẫn lên cầu thang đến một căn phòng rộng, được bài trí như một trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại. Ba người đàn ông đeo mặt nạ cầm súng điện cùng còng tay đi đến và hét lên “Mỗi người lấy một chiếc và tự khóa chân vào bàn. Bây giờ chúng mày phải làm việc cho bọn tao!”
Cả ngày và đêm, họ bị ép sử dụng máy tính để lừa đảo những người vô tội. Nếu họ ngừng làm việc hoặc không đạt được chỉ tiêu yêu cầu, họ sẽ bị đánh đập. Aati bị dí súng điện khoảng ba lần một tuần trong khi làm việc liên tục để lừa gạt thêm nhiều nạn nhân.
Aati chịu đựng như vậy khoảng một tháng cho đến khi anh tìm được cách liên hệ với Ban Dịch vụ công và Xử lý khiếu nại của Đảng Hiệp hội người Hoa ở Malaysia. Sau đó họ đã cử người đến giải cứu với sự hỗ trợ từ đại sứ quán và chính quyền Campuchia.
Hàng nghìn người ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - trong đó nhiều người có trình độ công nghệ - đã bị lừa bởi những vụ lừa đảo việc làm tương tự ở Đông Nam Á. Các nạn nhân đã bị mất tiền, thông tin cá nhân và trong trường hợp xấu nhất, họ trở thành nạn nhân của buôn người.
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân! Tuy nhiên, bằng cách nhận biết các dấu hiệu đáng ngờ, bạn có thể ngăn ngừa được các vụ lừa đảo qua mạng. Để tìm hiểu thêm về lừa đảo, tấn công giả mạo và ăn cắp danh tính ở khu vực Đông Nam Á, vui lòng truy cập trang web của UNODC.
Nguồn:
https://www.eco-business.com/news/cyber-criminals-hold-asian-tech-workers-captive-in-scam-factories/
https://www.channelnewsasia.com/asia/malaysia-overseas-job-scam-victims-cambodia-myanmar-laos-thailand-tortured-2940326
“Thật không thể tin được! Tôi đã tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình chỉ trong ba tuần!” Diwa (tên nhân vật đã được thay đổi) vui mừng khôn xiết khi nghĩ rằng mình đã gặp được chân ái là anh Phet (tên nhân vật đã được thay đổi) - một nhà thiết kế nội thất sống ở nước ngoài – qua mạng xã hội vào thời điểm phù hợp nhất của cuộc đời.
Vào một ngày nọ, cô kiểm tra điện thoại và nghe về một cơ hội đầu tư mà Phet đề xuất. Anh ấy nói, “Em yêu, tuy rằng khoản lời không nhiều, nhưng em có thể kiếm thêm chút tiền.” Cô đồng ý và gửi tiền đầu tư.
Ngày hôm sau, cô nhận được cuộc gọi từ ngân hàng thông báo rằng số tiền đã biến mất. Trái tim cô thắt lại khi nhắn tin cho Phet: “Em không biết phải làm gì nữa. Chỉ còn vài ngày nữa là em sẽ phẫu thuật tim và em lại vừa mất 30.000 USD vào một vụ lừa đảo cho vay!” Phet trả lời: “Đừng lo, anh có cách để em lấy lại số tiền đó. Anh còn cho em thêm 10.000 USD nữa. Anh sẽ bay đến thăm em vào ngày phẫu thuật và chăm sóc em. Nhưng bây giờ, anh cần thông tin tài khoản của em và cần em làm theo hướng dẫn của anh.”
Phet hướng dẫn cho Diwa đầu tư tiền vào nền tảng của mình. Anh sẽ giúp mua và bán cổ phiếu để kiếm tiền cho cô. Cô thấy điều này thật dễ dàng, vì thực ra mọi thao tác mua bán là do anh Phet thực hiện.
Một thời gian sau, cô mở trang web lên xem thì thấy mình đã kiếm được khoản lãi 30.000 USD. Cô rất phấn khích và muốn bán ngay để nhận tiền. Tuy nhiên, Phet đã ngăn cản: “Nếu em bán ngay bây giờ, em sẽ hủy hoại tương lai của chúng ta. Và nếu tương lai không có em, anh thà chết còn hơn!
Phet tiếp tục thuyết phục Diwa đầu tư vào nền tảng này và hướng dẫn cô vay trực tiếp từ những người cho vay tiền, rồi bán ô tô của cô, vay bạn bè và gia đình, và cuối cùng là thế chấp ngôi nhà của Diwa ở Malaysia.
May mắn thay, cha của Diwa đã để ý tới việc này. Ông cảnh báo cô về những vụ lừa đảo đầu tư với một bài báo viết về các chiêu trò lùa gà, trong đó một phụ nữ đã mất khoảng 500.000 USD. Trong bài báo, Diwa nhận ra ảnh của Phet, người đàn ông mà cô đã nói chuyện trong bốn tháng qua. Thì ra cô ấy cũng là nạn nhân của trò lừa đảo này.
Vì sự cố này, Diwa phải tuyên bố phá sản với khoản nợ 270.000 USD.
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân! Tuy nhiên, bằng cách nhận biết các dấu hiệu đáng ngờ, bạn có thể ngăn ngừa được các vụ lừa đảo qua mạng. Để tìm hiểu thêm về lừa đảo, tấn công giả mạo và ăn cắp danh tính ở khu vực Đông Nam Á, vui lòng truy cập trang web của UNODC.
Nguồn:
https://www.straitstimes.com/singapore/courts-crime/she-lost-240000-in-pig-butchering-cryptocurrency-scam-after-fraudster-courted-her-for-months
Có một mối liên hệ ngày càng lớn giữa tâm lý con người và công nghệ khi nói đến lừa đảo, tấn công giả mạo và ăn cắp danh tính. Công nghệ có thể được kiểm soát và bảo vệ, nhưng sinh học và bộ não con người có thể phản ứng theo cảm xúc đối với các sự việc khác nhau. Tội phạm mạng xác định và khai thác những “phản ứng mang tính cảm xúc” này để trục lợi từ nạn nhân cả về tài chính và tình cảm.
Khi ai đó trở thành nạn nhân, nhiều người có thể nghĩ '”thật là bất cẩn, cái bẫy lừa đảo rõ ràng vậy mà không nhận ra?” Nhưng “miệt thị nạn nhân của lừa đảo” là một phần của vấn đề - lý do tại sao nhận thức về an ninh mạng lại bị tụt hậu mặc dù tội phạm mạng có tỷ lệ thành công nhanh chóng.
Miệt thị nạn nhân của lừa đảo cực kỳ vô ích trong việc đối phó với những vụ việc này. Nó ngăn mọi người chia sẻ về các phương thức và các chiến lược mới nhất mà tội phạm mạng sử dụng. Khi các mối đe dọa an ninh mạng tăng cao, nhu cầu chia sẻ thông tin trở nên cấp thiết.
Năm 2009, miệt thị nạn nhân của lừa đảo đã được trình bày tại một cuộc họp của hội đồng chính phủ về chủ đề an ninh thông tin. Đại biểu quốc hội đã đặt câu hỏi với một thành viên của ban an ninh mạng về lý do tại sao không thể phát triển công nghệ ngăn ngừa rủi ro bảo mật. Thành viên ủy ban này đã trả lời một cách kính trọng rằng không có công nghệ nào trên thế giới có thể ngăn ngón tay của một người nhấn phím enter trên bàn phím.
Khi tỷ lệ người dùng internet đang gia tăng trên toàn cầu, các vụ lừa đảo trực tuyến xảy ra nhiều hơn bao giờ hết. Về vấn đề này, thật vô lý nếu mong đợi mọi người cảnh giác 100% và 24/7. Thay vào đó, chúng ta cần phải hiểu quá trình mọi người trở thành nạn nhân của những vụ việc này như thế nào để rút kinh nghiệm, đối phó tốt hơn và ngăn chặn chúng xảy ra trong tương lai. Cần loại bỏ ‘miệt thị nạn nhân của lừa đảo’ để phát triển một thế giới an ninh mạng tốt đẹp hơn.
Nếu chúng ta thực sự hy vọng bảo vệ bản thân và những người thân yêu của mình, chúng ta phải chia sẻ trải nghiệm của mình.
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân! Tuy nhiên, bằng cách nhận biết các dấu hiệu đáng ngờ, bạn có thể ngăn ngừa được các vụ lừa đảo qua mạng. Để tìm hiểu thêm về lừa đảo, tấn công giả mạo và ăn cắp danh tính ở khu vực Đông Nam Á, vui lòng truy cập trang web của UNODC.
Nguồn:
https://www.itweb.co.za/content/8OKdWMDYwrGqbznQ
https://www.aarp.org/money/scams-fraud/info-2022/victim-blaming.html
Lừa đảo từ thiện lợi dụng những cá nhân muốn quyên góp cho người có hoàn cảnh khó khăn; trong trường hợp này, lòng hảo tâm và trắc ẩn của nạn nhân bị lợi dụng. Những kẻ lừa đảo sẽ ăn cắp tiền của bạn bằng cách giả vờ là một tổ chức từ thiện chân chính. Những email lừa đảo này không chỉ ảnh hưởng đến khoản tiết kiệm của nạn nhân mà còn lấy đi các khoản đóng góp cần thiết khỏi các tổ chức từ thiện thực sự.
Lừa đảo từ thiện giả xảy ra quanh năm và thường tuyên bố hỗ trợ các thảm họa hoặc trường hợp khẩn cấp thực sự, chẳng hạn như lũ lụt và động đất. Các đối tượng cũng có thể giả mạo các tổ chức từ thiện tiến hành nghiên cứu y tế hoặc hỗ trợ bệnh nhân và gia đình họ. Tội phạm cũng có thể mạo danh thành những cá nhân cần tiền quyên góp để chữa bệnh và đáp ứng các nhu cầu khác.
Tại Singapore, công chúng đã bị sốc khi một nền tảng từ thiện phổ biến đã nhiều lần bị gắn cờ cảnh báo do có hành vi gửi đi các email tấn công giả mạo. Các quan chức chính phủ đã cảnh báo công chúng không nên cung cấp bất kỳ thông tin thẻ tín dụng và thông tin cá nhân nào cho những kẻ mạo danh. Vụ việc là một đòn giáng mạnh đối với hàng trăm tổ chức từ thiện sử dụng nền tảng này để gây quỹ và dấy lên sự nghi ngờ của các nhà tài trợ và nhà hảo tâm. Cảnh báo lừa đảo được đưa ra sau khi nền tảng này nhận được số tiền quyên góp kỷ lục vào năm trước.
Các tổ chức từ thiện giả mạo hoạt động theo nhiều cách khác nhau. Những kẻ lừa đảo có thể thiết lập các trang web giả trông giống như các tổ chức từ thiện thực sự trong khi một số kẻ lừa đảo sẽ gọi điện hoặc gửi email cho nạn nhân để yêu cầu quyên góp. Những tên tội phạm này có thể gây áp lực cho nạn nhân mục tiêu nếu họ không muốn quyên góp. Họ cũng có thể đùa giỡn với cảm xúc của bạn bằng cách tuyên bố sẽ giúp đỡ những đứa trẻ bị bệnh. Liệu bạn có được an toàn không?
Để tìm hiểu thêm về lừa đảo, tấn công giả mạo và ăn cắp danh tính ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, vui lòng truy cập trang web của chiến dịch.
Nguồn:
https://www.scamwatch.gov.au/types-of-scams/fake-charities
https://www.straitstimes.com/singapore/charity-platform-givingsg-alerts-public-to-phishing-emails