English version
See also:

Thi viết báo vẽ tranh "Nói không với bạo lực gia đình" tại Việt Nam


Hà Nội (Việt Nam), 05/09/2011
- "… Tôi không thể hình dung được ngay giữa lòng Hà Nội lại có một cô bé hoang dại đến như vậy. Lần đầu tiên nhìn thấy Như, cơ thể bé đầy vết thương, môi sưng, khắp người thâm tím.Tôi đã thuê một căn phòng cạnh nơi em bị giam giữ để trò chuyện và xua đi nỗi cô đơn, sợ hãi đến hoảng loạn của cô bé."

Nhà báo Nguyễn Thu Trang vẫn không giấu được sự xúc động khi kể lại lần đầu tiên gặp Như - bé gái 4 tuổi bị hành hạ dã man trong thời gian dài được hàng xóm gọi điện báo tin cho tòa soạn báo Gia đình và Xã Hội (GĐ&XH), nơi ThuTrang đang làm việc.

Loạt ký sự "Giải cứu bé gái 4 tuổi khỏi địa ngục trần gian" của Thu Trang và đồng nghiệp sau đó đã đoạt giải nhất cuộc thi viết báo "Nói không với bạo lực gia đình". Hiện nay, nhờ sự giúp đỡ, động viên của Thu Trang và đồng nghiệp, Như đang dần hồi phục trong vòng tay che chở đầy yêu thương của ông bà ngoại.

Cuộc thi viết báo "Nói không với bạo lực gia đình" là sáng kiến của Cơ quan phòng chống tội pham và ma túy Liên Hợp Quốc (UNODC) nằm trong nỗ lực nâng cao ý thức cộng đồng cũng như vai trò và trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong cuộc chiến chống lại bạo lực gia đình tại Việt Nam



Cuộc thi còn có sự tham gia hợp tác của báo Gia Đình &Xã Hội (GĐ&XH), Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), Tổng cục dân số và kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y Tế) và Hội nhà báo Việt Nam tại Hà Nội. Sau gần một năm phát động, ban tổ chức đã nhận được 1.536 bài báo, rồi từ đó đã chọn ra 15 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi ngày 11/08/2011, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ba, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết: 'Cuộc thi "Nói không với bạo lực gia đình" đã góp phần vào công tác phòng chống bạo lực, và hiện thực hóa việc thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới. Thông qua đó, góp phần lên án mạnh mẽ những tư tưởng cổ hủ về bất bình đẳng giới, những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật xảy ra trong mỗi gia đình".

Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ chương trình, UNODC cùng báo GĐ&XH đã đồng tổ chức cuộc thi vẽ tranh " Nói không với bạo lực gia đình" dành cho học sinh tiểu học tại Hà Nội. Thông qua những bức tranh, các em đã thể hiện tâm tư và nguyện vọng của mình về một mái ấm hạnh phúc không bạo lực. Ban tổ chức đã lựa chọn 20 tác phẩm xuất sắc để trao giải. Tất cả tác phẩm tham gia cuộc thi đã được trưng bày tại Trung tâm triển lãm Quốc gia vào Ngày hội Gia đình vào tháng 6/2011

Bạo lực gia đình vốn là một đề tài kiêng kị trong xã hội Việt Nam. Theo một nghiên cứu năm 2010 của Tổng cục thống kê Việt Nam và Tổ chức y tế thế giới (WHO) thì một phần ba phụ nữ đã kết hôn là nạn nhân của bạo lực gia đình.




"Trong nhiều năm, tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh con gái tôi bị chồng nó đánh đập chửi rủa. Mỗi lần đến thăm tôi, con bé đều khóc. Tôi đã luôn khuyên nhủ con gái hãy nhẫn nhịn để gìn giữ hòa khí và tránh điều tiếng xấu cho gia đình. Tôi đã ngỡ rằng chồng nó rồi sẽ thay đổi nếu vợ và con cái chăm ngoan. Tôi không bao giờ tưởng tượng được sự thật của ngày hôm nay lại tàn khốc như vậy". Bà Mai nghẹn ngào trong nước mắt.

Đánh giá kết quả của cuộc thi, tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc, Tổng biên tập báo GĐ&XH, cho biết: "Cuộc thi là động lực khuyến khích phóng viên báo chí viết nên những câu chuyện truyền cảm sống động, góp phần chống lại những hành vi bạo lực gia đình tại Việt Nam"

BACKGROUND
Cuộc thi "Nói không với bạo lực gia đình" nằm trong dự án "Nâng cao năng lực pháp lý và thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn bạo lực gia đình tại Việt Nam (VNM/T28)" do UNODC phối hợp thực hiện cùng Bộ Công An từ năm 2008.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ thực thi pháp luật và giúp đỡ cán bộ tư pháp giải quyết các vấn đề liên quan tới bạo lực gia đình đồng thời góp phần thực thi luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007. Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ hoàn thiện hệ thống hỗ trợ pháp lý và tiến hành thu thập phân tích dữ liệu về dịch vụ cung cấp cho nạn nhân bạo lực gia đình.

Dự án VNM/28 được tài trợ bởi cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sĩ; Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ; Quỹ Mục tiêu phát triển thiên nên kỷ (MDGF) thông qua chương trình phối hợp chung giữa Liên Hợp Quốc và Chính phủ về bình đẳng giới; và chương trình Một Kế hoạch chung (OPF) của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

* Tên nạn nhân đã được thay đổi trong bài viết